Những ngày cuối năm tiết trời mát mẻ, trong lành, những khóm hoa đua nhau khoe sắc chuẩn bị đón xuân mới, hội viên, phụ nữ huyện nhà không khỏi tự hào và bồi hồi xúc động khi chúng con được đi trên những tuyến đường vinh dự mang tên Mẹ Việt Nam anh hùng, những người Mẹ “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sỹ trong kháng chiến to lớn bao nhiêu thì những nỗi đau và hy sinh thầm lặng của những người mẹ ở hậu phương cũng lớn lao bội phần, như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
“Con đi trăm núi ngàn khe,
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm.
Con đi đánh giặc mười năm,
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.”
Việc đặt tên đường có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, đó là tôn vinh và thể hiện lòng biết ơn với quý Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có công với cách mạng, sự trân trọng những giá trị lịch sử của Nhân dân trên địa bàn huyện, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, truyền thống, văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào về truyền thống quê hương Mười Tám thôn Vườn Trầu.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện trân trọng giới thiệu đến hội viên, phụ nữ và người dân huyện nhà những tuyến đường vinh dự mang tên quý Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn các xã – thị trấn.
*XÃ ĐÔNG THẠNH: có 09 tuyến đường
1/ Đường Võ Thị Lùng (chiều dài 700m)
TIỂU SỬ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG VÕ THỊ LÙNG
- Sinh năm: 1922, mất năm: 1959.
- Quê quán: xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn.
- Mẹ là liệt sĩ.
- Mẹ có 02 người thân là liệt sĩ:
+ Chồng: Liệt sĩ Lê Văn Xuẩn, sinh năm 1917, tham gia kháng chiến năm 1945, hy sinh năm 1947.
+ Con: Liệt sĩ Lê Văn Thép, sinh năm 1945, tham gia kháng chiến năm 1960, hy sinh năm 1969.
- Thông tin về Mẹ: Trước cách mạng Tháng 8 năm 1945, Mẹ cùng chồng tham gia nhiều cuộc biểu tình, đấu tranh đòi độc lập. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, Mẹ cùng chồng về sinh sống tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi. Mẹ tham gia đoàn văn công giải phóng và làm nhiệm vụ cáng thương, tải đạn cho đơn vị quân giải phóng ở xã Bình Mỹ, làm giao liên từ Bình Mỹ về Hóc Môn. Năm 1959, trong trận tấn công của quân giải phóng vào đồn giặc ở xã Bình Mỹ, Mẹ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chuyển thương binh về tuyến sau.
2/ Đường Nguyễn Thị Be (chiều dài 1.710m)
TIỂU SỬ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG NGUYỄN THỊ BE
- Sinh năm: 1920, mất năm: 1982.
- Quê quán: xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn.
- Mẹ có 01 con duy nhất là liệt sĩ: Nguyễn Văn Bé, sinh năm: 1947, hy sinh năm: 1968.
- Thông tin về Mẹ: Trong kháng chiến, Mẹ làm cán bộ giao liên từ năm 1947 đến năm 1970. Trong Chiến dịch Mậu Thân (1968), nhà Mẹ là nơi chứa gạo, lương thực, băng cứu thương, thuốc men để chuẩn bị cho chiến dịch.
3/ Đường Nguyễn Thị Chồn (chiều dài 970m)
TIỂU SỬ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG NGUYỄN THỊ CHỒN
- Sinh năm: 1915, không rõ năm mất.
- Quê quán: xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn.
- Mẹ có 01 con duy nhất là liệt sĩ: Mai Văn Phẩm, tham gia kháng chiến năm 1959, hy sinh năm 1968 tại Củ Chi.
- Thông tin về Mẹ: Trong kháng chiến, gia đình Mẹ là cơ sở nuôi giấu cán bộ. Bản thân Mẹ tham gia công tác giao liên.
4/ Đường Nguyễn Thị Lạc (chiều dài 1000m)
TIỂU SỬ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG NGUYỄN THỊ LẠC
- Sinh năm: 1922, mất năm: 1957.
- Quê quán: xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn.
- Mẹ có 02 người thân là liệt sĩ:
+ Chồng, Liệt sĩ Nguyễn Văn Thỏi, sinh năm: 1922, hy sinh ngày 13/12/1950.
+ Con, Liệt sĩ Nguyễn Văn Lập, sinh năm: 1947, hy sinh năm: 1968.
- Thông tin về Mẹ: Trong kháng chiến, gia đình Mẹ là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng.
5/ Đường Nguyễn Thị Mười (chiều dài 1.100m)
TIỂU SỬ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG NGUYỄN THỊ MƯỜI
- Sinh năm:1900, mất năm:1978.
- Quê quán: xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi.
- Mẹ có 01 con duy nhất là liệt sĩ: Hồ Quang Biền, Công an Huyện hóc Môn, hy sinh năm 1961.
- Thông tin về Mẹ: Trong kháng chiến, Mẹ tham gia nuôi giấu cán bộ tại nhà.
6/ Đường Nguyễn Thị Tạo (chiều dài 379m)
TIỂU SỬ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG NGUYỄN THỊ TẠO
- Không rõ năm sinh, năm mất.
- Quê quán: xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi.
- Mẹ có 03 con là liệt sĩ:
+ Liệt sĩ Tô Nếp.
+ Liệt sĩ Tô Thanh.
+ Liệt sĩ Tô Đậu.
-Thông tin về Mẹ: Mẹ sinh được 5 người con, 4 trai, 1 gái, Gia đình Mẹ sống trong vùng chiến khu. Trong kháng chiến, Mẹ tham gia nuôi giấu, tiếp tế lương thực cho bộ đội.
7/ Đường Nguyễn Thị Dễ (chiều dài 782m)
TIỂU SỬ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG NGUYỄN THỊ DỄ
- Sinh năm: 1903, mất năm: 1982.
- Quê quán: xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn.
- Mẹ có 01 con duy nhất là liệt sĩ: Nguyễn Văn Lỗi (Tự Lập), phụ trách Ban Kinh tài Xã Bình Mỹ, Huyện Hóc Môn, hy sinh năm: 1952.
- Thông tin về Mẹ: Trong kháng chiến, gia đình Mẹ tham gia tiếp tế lương thực, che giấu cán bộ. Khi con hy sinh, Mẹ sống với người cháu, gọi Mẹ bằng Dì.
8/ Đường Phạm Thị Tôm (chiều dài 891m)
TIỂU SỬ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG PHẠM THỊ TÔM
- Sinh năm: 1921, mất năm: 2004.
- Quê quán: 3/3 ấp 3, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn.
- Mẹ có 03 người thân là liệt sĩ:
+ Chồng, Liệt sĩ Phan Văn Danh, hy sinh năm 1950.
+ Con, Liệt sĩ Phan Văn Lợi, sinh năm 1940, hy sinh năm 1967.
+ Con, Liệt sĩ Phan Văn Xấu, sinh năm 1942, hy sinh năm 1968
- Thông tin về Mẹ: Trong kháng chiến, Mẹ tham gia nuôi giấu, tiếp tế lương thực cho bộ đội và làm công tác giao liên.
9/ Đường Nguyễn Thị Đẹt (chiều dài 620m)
TIỂU SỬ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG NGUYỄN THỊ ĐẸT
- Sinh năm: 1927, mất năm: 2004.
- Quê quán: xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn.
- Mẹ có chồng và 01 con trai duy nhất là liệt sĩ:
+ Chồng, Liệt sĩ Lê Văn Hòa, hy sinh năm 1960.
+ Con, Liệt sĩ Nguyễn Văn Ngọc, hy sinh tháng 12/1969.
- Thông tin về Mẹ: Mẹ xuất thân từ gia đình nông dân nghèo tại Xã Bình Mỹ, Huyện Củ Chi. Lúc nhỏ, Mẹ phải làm thuê cho địa chủ. Năm 1948, Mẹ thoát ly tham gia cách mạng, làm cán bộ phụ nữ kiêm Đại đội trưởng dân quân tự vệ xã Tân Thới Hiệp, Huyện Hóc Môn. Năm 1949, Mẹ chuyển sang đơn vị Quyết Tử 950, thuộc bộ đội chủ lực miền, làm giao liên từ căn cứ An Thành, An Nhơn Tây (Củ Chi) về Gò Vấp, Gia Định. Năm 1962, Mẹ bị giặc bắt giam ở bót Catina. nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa). Đến năm 1973, Mẹ được trả tự do, ở trong tù Mẹ bị giặc tra tấn hết sức dã man, nên sức khỏe Mẹ rất yếu. Đến năm 1975, Mẹ tiếp tục tham gia công tác Hội phụ nữ xã, làm tổ trưởng tổ nhân dân.
(Hình minh họa: Lễ đặt tên đường mang tên Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Be).