1. Tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2023
Ngày 14/5/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2023/NĐ-CP quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Theo đó, từ ngày 01/7/2023, mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng (hiện hành, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng).
Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ:
- Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định 24/2023/NĐ-CP, đơn cử như:
+ Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019).
+ Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019).
+ Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức 2010 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019).
+ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.
+ Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân...
- Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;
- Tính các Khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Nghị định 24/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023.
2. Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng
Ngày 16/5/2023, Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành Quyết định 07/2023/QĐ-KTNN về Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng (sau đây gọi tắt là Quy trình).
Theo đó, Quy trình gồm 3 bước:
- Bước 1: Phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng;
- Bước 2: Xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng;
- Bước 3: Xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Việc kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Vụ việc có dấu hiệu tham nhũng là một cuộc kiểm toán có trong Kế hoạch kiểm toán năm, Kế hoạch kiểm toán bổ sung của Kiểm toán nhà nước.
- Vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thuộc nội dung, phạm vi kiểm toán của một cuộc kiểm toán có trong Kế hoạch kiểm toán năm, Kế hoạch kiểm toán bổ sung.
- Vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được tiếp nhận liên quan đến một cuộc kiểm toán đang trong quá trình thực hiện kiểm toán được Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định tách thành một cuộc kiểm toán khác.
Xem nội dung chi tiết tại Quyết định 07/2023/QĐ-KTNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/6/2023.
3. Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII
Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023.
Theo đó, đề ra các định hướng phát triển nguồn điện quốc gia như sau:
- Phát triển đồng bộ, đa dạng hóa các loại hình nguồn điện với cơ cấu hợp lý để đảm bảo an ninh năng lượng, nâng cao tính tự chủ của ngành điện, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.
- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, mặt trời, sinh khối...), năng lượng mới, năng lượng sạch (hydro, amoniac xanh...) phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý, đặc biệt là các nguồn điện tự sản, tự tiêu, điện mặt trời mái nhà.
- Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước kết hợp với nhập khẩu: Giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than, ưu tiên phát triển điện khí trong nước, phát triển các nguồn điện khí LNG nhập khẩu với quy mô phù hợp. Thực hiện chuyển dịch năng lượng bám sát xu thế phát triển công nghệ và giá thành trên thế giới.
- Phát triển nguồn điện cân đối theo vùng, miền, hướng tới cân bằng cung - cầu nội vùng. Bố trí hợp lý các nguồn điện ở các địa phương trong vùng nhằm khai thác hiệu quả các nguồn điện, đảm bảo tin cậy cung cấp điện tại chỗ, giảm tổn thất kỹ thuật, giảm truyền tải điện đi xa.
- Phát triển nguồn điện mới với công nghệ hiện đại đi đôi với đổi mới công nghệ các nhà máy đang vận hành. Tiến tới dừng hoạt động với các nhà máy không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường.
- Đa dạng hóa các hình thức đầu tư phát triển nguồn điện nhằm tăng cường cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Xem chi tiết tại Quyết định 500/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2023.
4. Đẩy mạnh cấp sổ đỏ cho người sử dụng đất
Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn 3382/BTNMT-ĐĐ năm 2023 về thực hiện quy định của pháp luật về đất đai.
Theo đó, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung đẩy mạnh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (thực tế được gọi là sổ đỏ) cho người sử dụng đất.
Trong đó tập trung rà soát, chỉ đạo cấp Giấy chứng nhận cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án phát triển nhà ở và trong các dự án kinh doanh bất động sản không phải dự án phát triển nhà ở theo Khoản 11 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP và hướng dẫn tại Công văn 2317/BTNMT-CĐKDLTTĐĐ năm 2023.
Xem chi tiết nội dung tại Công văn 3382/BTNMT-ĐĐ ngày 15/5/2023.