Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hóc Môn tổ chức Toạ đàm chuyên đề "Đưa Áo dài gần gũi hơn với người dân". Tham dự có các đồng chí: Huỳnh Thị Thu Thảo - HUV, Phó Chủ nhiệm UBKT Huyện uỷ, Chủ nhiệm CLB Cán bộ nữ chủ chốt huyện; Huỳnh Thị Kim Ba - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện; Đặng Trần Trúc Dao - HUV, Chủ tịch Hội LHPN huyện; cùng các chị là thành viên CLB cán bộ Hội các thời kỳ.
Phát biểu tại Hội nghị, đ/c Trúc Dao đã thông tin đến đại biểu các hoạt động hưởng ứng Lễ hội Áo dài Thành phố lần thứ 10 của Hội phụ nữ huyện và cơ sở; việc thay đổi tên gọi mô hình “Áo dài 0 đồng” thành “Áo dài yêu thương”, giới thiệu về lịch sử phát triển Áo dài Việt Nam qua các thời kỳ; đánh giá về việc sử dụng Áo dài hiện nay của cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân trên địa bàn huyện Hóc Môn; gợi ý đại biểu tập trung phát biểu về những giải pháp hiệu quả để đưa Áo dài gần gũi hơn với đời sống người dân, trong đó có ngoại giao văn hoá với các nước bạn.
Toạ đàm đã có 12 lượt ý kiến phát biểu, trong đó nêu lên các vấn đề: tổ chức Hội các cấp cần sáng tạo hơn nữa để đề ra nhiều giải pháp hiệu quả mang Áo dài đến gần hơn với người dân như: nhân rộng mô hình “Áo dài yêu thương”, tổ chức nhiều hoạt động để vinh danh, giới thiệu những người thợ may Áo dài và các cửa hàng may áo dài đẹp trên địa bàn huyện, tổ chức các sân chơi để người dân (ngoài hội viên) cùng tham gia hưởng ứng mặc Áo dài; kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh Áo dài (giảm thuế, quảng bá và kết nối sản phẩm….); nêu vai trò quan trọng của các nhà thiết kế trong việc đưa Áo dài đến với người tiêu dùng; sự hỗ trợ của Đảng - Nhà nước - các doanh nghiệp trong việc đưa Áo dài đến gần hơn với đời sống người dân; sự tự giác, tự nguyện, yêu thích mặc Áo dài của người dân đóng vai trò quyết định đến sức lan toả của chiếc Áo dài trong cuộc sống.
Kiến nghị lãnh đạo cấp cao cần có văn bản chính thức quy định Áo dài là Quốc phục của Việt Nam và quy định cụ thể cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động sử dụng Áo dài; Ngành văn hoá cần có hướng dẫn cụ thể về Áo dài (kiểu dáng, chất liệu vải…) khi sử dụng trong các nghi thức ngoại giao, nhất là ngoại giao cấp Nhà nước; Hội nói riêng và toàn hệ thống chính trị nói chung cần có nhiều hơn hoạt động tăng cường giới thiệu Áo dài Việt Nam đến bạn bè quốc tế, thực hiện ngoại giao văn hoá
Phát biểu kết thúc Toạ đàm, đ/c Trúc Dao trân trọng cảm ơn những ý kiến phát biểu rất tâm huyết của đại biểu dành cho Áo dài - Di sản văn hoá của Việt Nam. Hội LHPN huyện trân trọng ghi nhận và sẽ nghiên cứu, vận dụng ngay trong năm 2024 những giải pháp hiệu quả đã được đại biểu chia sẻ trong Toạ đàm để Áo dài thật sự trở thành trang phục được người dân ưu tiên sử dụng trong cuộc sống; đồng thời sẽ tổng hợp các kiến nghị của đại biểu để báo cáo lãnh đạo huyện và Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố.